Logo


ĐĂNG KÝ TÊN MIỀN VÀ WEB SITE GIÁ RẺ  


DIỄN ĐÀN THOIGIAN.MOBIE.IN

DOWNLOAD PHẦN MỀM ĐỌC TRUYỆN ONLINE TẠI ĐÂY 


* Admintrator Ai đó đã nói, trong mỗi chúng ta đều có một bản thể tên là hèn nhát. Chúng ta có thể lựa chọn khống chế nó hoặc để nó khống chế mình. Người khống chế được thì trớ nên mạnh mẽ, người đầu hàng sẽ thành kẻ thất bại. Đó là lời mẹ dặn tôi từ hồi lớp Một, lúc tôi bước qua cánh cổng trường Tiểu học để bắt đầu quãng đời học sinh tươi đẹp nhất của mình. Mỗi lần thất bại tôi đều tự nhủ và nhắc lòng, giữa thất bại và thành công có một vạch kẻ, việc tôi cần làm là bước qua vạch kẻ đó, dù thế nào cũng không được để sự hèn nhát khống chế mình, nhất định phái bước qua.

Trong đời, tôi đã bước qua bao nhiêu vạch kẻ, tôi không còn nhớ rõ. Mỗi lần như vậy tôi thấy mình lớn hơn, trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn. Là làn đầu tự đạp xe tới trường, lần đầu từ chối mẹ đưa đi thi, lần đầu tham gia chạy điền kinh tiếp sức, lần đầu đạt điểm Mười môn Toán sau nhiều ngày cày cuốc miệt mài, lần đầu tham gia tình nguyện vùng cao,... Sau những lần đầu ấy, tôi mỉm cười rạng rỡ, thấy mình "người lớn" hơn một chút. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng dám bước chân qua vạch kẻ. Tôi đã chùn bước nhiều lần. Mà việc đáng xấu hổ nhất là đã quay mặt đi khi cậu ấy tìm kiếm từ tôi một sự giúp đỡ.



Cậu ấy là Tùng.

1. Tùng là học sinh chuyển trường vượt tuyến. Nhà bạn ấy trước kia ở khu vực Tây Bắc nhưng do công việc của ba mẹ, cả gia đình bạn ấy chuyển xuống dưới xuôi. Tùng mập mạp, được xếp ngồi riêng một bàn. Ngày đầu tiên Tùng chuyển tới đã có những tiếng cười về ngoại hình bạn ấy. Ở một trường học mà mọi thứ đều giống như một cái nhà chung, việc lớp này mai lớp kia đã biết, Tùng dễ dàng trở thành tiêu điểm. Cái tiêu điểm đó không hề trở nên tích cực hơn khi chúng tôi phát hiện ra ỏ cậu cái giọng lớ ngớ của người miền Tây Bắc, lực học môn Toan dưới mức trung bình. Cậu ấy chính thức trở thành trò cười, từ trò cười của một lớp nhanh chóng trở thành trò hề của toàn trường. Tùng bị gọi bằng vô số biệt danh kinh khủng. Trường quê mà, đã dìm ai là phải dìm chết nghỉm, dìm tới lúc người đó nổi trương lên thì cụng li ăn mừng, nhảy múa thật là hả hê.



Tôi vì thế mà để ý tới Tùng, vài lần xếp hàng chào cờ, tôi chào bạn ấy. Tôi muốn nói với Tùng rằng cả thế giới này không phải toàn những người mồm miệng xấu xí như vậy; rằng, đừng lo, cậu không một mình giữa đám đông; rằng, tôi không quan tâm cậu ấy béo hay gầy, nói chuyện bằng giọng buồn cười hay là nghiêm túc. Tôi đã tha thiết muốn bước chân về phía Tùng, làm bạn với cậu ấy dù chỉ là một người bạn duy nhất.

2. Tùng

Để thuận tiện cho công việc của bố, cả gia đinh tôi rời Tây Bắc, chuyển xuống thị trấn dưới xuôi. Tôi tạm biệt những mái nhà xinh xinh thấp thoáng giữa khoảng đồi, tạm biệt những ô núi đã đi đến quen thuộc cả trong nỗi nhớ. Đúng như tôi e sợ, việc hòa nhập môi trường mới không dễ dàng chút nào. Các bạn ở lớp tò mò ra mặt trước giọng nói, vóc dáng của tôi. Rồi thái độ mọi người bắt đầu đi xa hơn thế, những lời bàn tán, xì xầm, cười nói ác ý rộ lên tiếng khi tôi đi qua. Thế giới đó lấy tôi làm tâm đường tròn, vẽ lên một nụ cười đầy miệt thị.

Hoàn cảnh của em trai tôi cũng không khá hơn. Tính nó rụt rè, nghe đám bạn người Kinh nói gì, nó không hiểu cũng cứ im lặng. Nó chỉ hỏi tôi mãi một câu, bao giờ mình về nhà cũ. Tôi chẳng dám nói rằng chúng tôi sẽ không về nữa, chỉ an ủi thằng nhóc cố gắng lên.
Đúng lúc đó, Vi xuất hiện. Bạn ấy là lớp trưởng lớp A bên cạnh, rất mẫn cán. Giờ chào cờ nào tôi cũng thấy bạn ấy sắp ghế ngồi ngay ngắn cho các bạn trong lớp. Nhìn thấy tôi đứnq một mình một chỗ ở lớp B, bạn ấy vẫy tay, "Ê! Chào Tùng!" Không có bất cứ một chữ nào gắn thêm vào tên tôi, như là thằng đần, thằng béo. Tôi không có bạn chơi, đi đi về về lủi thủi như cái bóng. Thỉnh thoáng Vi đạp xe vụt qua, vẫy vẫy tay và cười. Nụ cười bạn ấy dưới ráng chiều rạng rỡ mà dịu dàng, lướt qua rồi nhưng vẫn lưu lại mãi nơi đáy mắt.

Vi gửi cho tôi một băng game vào ngày sinh nhật. Trên đường về, em trai tôi rất thích thú với cái băng đó. Nó hỏi mãi về bạn ấy. Tôi chẳng biết phải nói gì, chỉ kể về những lần đi vụt qua nhau thoáng chốc. Em tôi nghe trong im lặng rồi bỗng hỏi một câu cắc cớ: "Chị ấy nói, anh có nghe kịp, hiểu hết không?". Tôi bật cười: "Tất cả những gì chị ấy nói với anh chỉ là "Ê! Tùng", từng đó từ thì anh nghe kịp. Nhưng em yên tâm, chị ấy nói chuyện nhẹ nhàng, thân thiện lắm." Nó nhe răng cười: "Vậy anh nhớ giới thiệu với chị ấy, em là An, Thiên An, để chị ấy gặp em sẽ gọi "Ê! Thiên An!" Em nghe la hiểu!“.

Vi tới nhà tôi một ngày không lâu sau đó, câu đầu tiên bạn ấy nói không nằm ngoài dự đoán:

- A! Chào An!

Thằng An rú rít ầm ĩ, réo tên Vi chạy từ phòng khách xuyên sang bếp. Vi ở lại, chơi tới chiều, còn chỉ cho tôi một vài bài toán khó. Ngày hôm đó, căn nhà chúng tôi ngập tiếng cười. 

3. Vạch kẻ đầu tiên của tôi liên quan tới Tùng là quyết tâm kèm bạn ấy học. Tôi bỏ mặc sau lưng mấy tiếng xì xào to nhỏ, cái bĩu môi của mấy hội trong lớp để đến nhà Tùng mỗi buổi chiều rảnh rỗi và cùng cậu ấy học Toán. Tôi đã gần như ngã ngửa khi phát hiện kiến thức nền Toán học của Tùng như số không tròn trĩnh. Không biết gì về phân số, tối giản, phần trăm, giao hoán cũng như nhân lượng liên hợp. Mọi thứ là một con số không. Tùng làm được những phép cộng trừ nhân chia đơn giản nhưng cứ đụng phải phân số, số thập phân là bạn ấy quay cuồng. Thêm nữa, bạn ấy rất cứng đầu.

- Tại sao bạn không rút gọn phân số 3/9 đi để cho đơn giản nhỉ?

- Tại sao phải rút gọn? Rõ ràng là 3/9 thì cứ để nguyên là 3/9 có sao. Làm nhỏ đi hay lớn hơn thì kết quả vẫn như vậy mà.

- Nhưng bạn có thấy là số 1/3 thì xinh đẹp hơn số 3/9 không?

- Tớ chả thấy nó xinh đẹp gì hết.

- Rõ ràng là nó gọn gàng hơn mà.

- Tớ không thấy thế.

- Cậu nhìn này, phía sau là phép cộng với 2/3 cậu rút gọn đi sẽ dễ dàng cộng hơn.

- Thế sao không đưa 2/3 thành 6/9 để cộng? Dù thế nào cũng chỉ là một kết quả.

- Thôi được rồi, làm thế nào là quyền của cậu. Vậy cậu nghĩ xem 9 và 3 cùng chia hết cho số nào?

- Số 2?

- ….

- Không đúng sao? Số 2 luôn là đáp án thường thấy mà? Vậy số 4 đi.

- Tại sao không chọn số 3?

- Số 4 gấp đôi số 2, khả năng trúng cao hơn.

- ….

- Ừ, cũng có thể là cả số 3 nữa.

- …

Mỗi lần điểm kiểm tra chung môn Toán xuất hiện trên bảng tin, điểm của Tùng lại được khoanh tròn, tô đỏ. Học sinh trong trường đi qua, kẻ cười, người nói. Tùng chỉ dám xem lúc cả trường đã về hết. Bạn ấy đi bộ từ nhà ra trường chỉ để xem con điểm được khoanh tròn của mình. Tôi bắt gặp bạn ấy đứng trước bảng tin vào một ngày muộn. Bạn ấy cứ đứng đó nhìn mãi vào bảng tin. Tôi hiểu, Tùng đã cố gắng hết sức nhưng nhiều tác nhân đã làm thui chột nỗ lực trong bạn. Là bọc giấy ném bộp bộp vào lưng bạn ấy trong phòng thi, thầy giám thị thỉnh thoảng đứng trước mặt Tùng, nhìn xuống bài Tùng như đọc một mẩu chuyện cười hóm hỉnh. Và có lẽ cả người chấm thi nữa, bài thi không rọc phách, chấm thế nào là tùy ở thầy cô, chẳng có lý nào với sức học của Tùng lại không đạt nổi điểm 4 mà cứ lẽo đẽo mãi ở điểm 1. Nhưng Tùng không nản, bạn ấy vẫn chăm chỉ học cùng tôi, trong phòng thi không ngước sang cầu cứu tôi lấy một lần dù tôi luôn chép sẵn một tờ giấy đáp án, chỉ đợi bạn ấy quay sang nhìn là tôi chìa ra. Mấy quy tắc thi lỏng lẻo và thoải mái nhưng Tùng chưa bao giờ bước qua, bạn ấy tự sức làm bài.

Những câu nói ác ý tăng theo cấp số nhân cùng những trò đùa "thú tính" với sự tham gia của toàn trường. Tôi muốn gào lên rằng, để bạn ấy yên, bạn ấy hiền lành không làm gì mấy người, mấy người sao cứ gây sự vậy? Một mình bạn ấy béo à. Tụi bay ai cũng béo, hãy tự về soi gương đi. Lúc đá đểu cậu ấy thì hay lắm vậy mà tụi nó vẫn nhờ cậy Tùng đi từ lớp ra quán hàng vặt tận cuối cổng trường mua hộ hộp me, gói phấn, rồi đi trực nhật, lau bảng, quét lớp cho gần ba mươi con người. Những lần gặp nhau, Tùng giặt giẻ, đổ rác hộ tôi luôn. Tôi muốn giằng tay cậu ấy, kéo vào lớp B, chửi rủa chúng nó một trận, vứt cái danh hiệu học sinh ngoan ngoãn qua một bên, nói một trận đã đời rồi bảo Tùng, đừng phải làm khổ mình vì mấy cái loại người dẩm dớ đó, cứ sống thoải mái như cậu muốn đi. Dù cậu có mập, có nói không giống giọng người Kinh, hơi kém Toán thì có chuyện gì cơ chứ? Cậu có tớ ở bên này.
Nhưng lời nói chỉ nghẹn ở cổ. Con quỷ hèn nhát lần đó đã thắng tôi một cách ngoạn mục, xuất sắc. Tôi vừa dợm kéo Tùng qua cửa lớp thì có một núi rác đổ xuống đầu hai đứa.

- Ơ, sao Vi lại ở đây. Đi ra ngoài. - Cái Nhã kéo tay tôi ra xa Tùng.

- Chuyện gì xảy ra thế?

- Vi cứ kệ đi, chuyện hằng ngày ấy mà. Chúng nó bày trò cho vui.

Phía bên kia, Thắng – cậu bạn học cùng tuyển Toán, đẹp trai, học giỏi, chịu chơi - nháy mắt với tôi, chân đang vung lên đá vào ống quần Tùng giữa một đám con trai đang quây thành một vòng kín quanh cậu ấy. Tùng ngồi giữa, lọt thỏm, tay ôm che kín đầu. Tôi kéo tay Thắng:

- Việc này ngày nào cũng diễn ra?

- Ừ, cậu không biết à? Thằng đó hèn lắm.

- Cậu đừng có bắt nạt Tùng nữa. Bạn ấy làm gì các cậu?

- A, lên tiếng rồi, kinh nha... Người yêu tin đồn nha, lớp trưởng lớp A nha, thế này thì ghê rồi.

Thắng cười hố hố, chạy tới, xua hết đám bạn, xốc cổ Tùng dậy, đấm. Tôi nghĩ tức muốn ứa nước mắt. Vừa thương Tùng vừa uất. Bạn ấy ngước mắt nhìn tôi buồn bã, bờ mi mắt cụp xuống. Môi Tùng mấp máy điều gì. Tôi nhìn mãi.

- Vi? Vi? Mày nói Vi cái gì mà Vi? - Thắng giúi Tùng xuống.
Tôi sững sỡ, quay người, lặng lẽ bước về lớp, vừa đi vừa lau nước mắt. Dọc đường tiếng nói ồn ào. "Ơ, thế chúng nó không bênh nhau à?", "Thế tưởng là vừa lên tiếng?", "Cái thằng đấy, đánh là đáng, hèn, nhục...", "Cái con Vi lớp A chứ gì, biết gì mà chen vào?" Tôi thấy bạn ấy khổ quá. Bạn ấy sống hiền lành người ta cũng không thương, người ta cũng không vừa mắt. Người ta phải bới móc tìm tòi, giữa trăm cái tốt tìm thấy một điểm xấu, trăm cái không soi chỉ soi mói vào cái xấu xí cuối cùng.

Hôm đó, tôi nghĩ mãi về ánh mắt Tùng, cả cái quay lưng đầy hèn nhát của tôi. Nỗi sợ hãi, niềm tin đám đông, thói nhu nhược cả nể đã kéo tôi ra khỏi Tùng. Tôi là cọng cỏ tình bạn duy nhất của cậu ấy, giờ tôi cũng biến mất.

Cô Hiệu trưởng rồi cũng biết chuyện. Thắng đánh Tùng nặng quá, bố mẹ bạn ấy biết, đến trường đòi rút học bạ, yêu cầu những học sinh tham gia bạo hành Tùng phải bị đình chỉ học. Vụ việc ì xèo chẳng hay ho gì. Lúc được gọi lên phòng Giám hiệu, ngồi cạnh Tùng, tôi thấy bạn ấy cúi đầu buồn bã, cái lưng còng xuống như đang gánh một sức nặng vô hình. Cả buổi họp, tôi cứ giữ im lặng, không đồng ý, chẳng xác nhận điều gì. Tùng cũng không lên tiếng yêu cầu, mẹ Tùng gặp tôi vài lần chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt lặng lẽ.
Đó là nỗi xấu hổ lớn nhất. Khi tôi không lấy đủ dũng cảm để thốt lên một sự thật. Tôi đã chần chừ, chùn chân như một con lừa ngu ngốc. Lời mẹ dặn về bản thể hèn nhát cười khảy trong đầu tôi.

4. Tùng chuyển trường sau đó vài ngày. Nỗi xấu hổ níu chân, tôi không dám gặp bạn ấy, chỉ lén nấp sau chắn song cửa, giọt nước mắt. Nhóc An cúi ngang người, hướng sang chào tôi thật rõ ràng:

- Em chào chị Vi. Em đi đây!

Tùng bắc loa, giọng gào to:

- Ê! Chào Vi! Tớ luôn muốn nói với cậu như thế. Thật vui vì tớ đã có cậu làm bạn! Vi yên tâm, tớ sẽ luôn nhớ về Vi! Vi ở lại mạnh giỏi nghe. Tùng đi nhé! Phân số 3/9 của ngày đầu tiên cứ thống nhất đưa về 1/3 đi. Kết quả là 3/3 như ý Vi nhé! Vi ở lại mạnh giỏi đó nhé! Tùng chào tạm biệt Vi!

Rồi cái dáng mập mạp đó theo chiếc xe gắn máy khuất dần. Nhóc An hướng về nhà tôi, vẫy mãi bàn tay bé nhỏ.

5. Tôi không bao giờ gặp lại Tùng nữa. Không biết bây giờ bạn ấy đang ở đâu nhưng tôi mong bạn ấy được sống thật hạnh phúc. Và nếu những dòng này có tình cờ tới tay bạn, thì Tùng, mình muốn nói với cậu: Mình xin lỗi, cho suốt quãng thời gian cấp Hai đó, mình xin lỗi. Cám ơn sự cao thượng của cậu, mình đã đánh bại con bé hèn nhát ngày đó rồi!
2018-06-14 18:37 · (0)

Online: Guests: 1
Lên trên






» BÌNH LUẬN COMMENT

• TRUNG TÂM HỖ TRỢ
T.T Báo Lỗi - Hỗ Trợ - Góp Ý